Răng trẻ em
- Trang chủ
- Răng trẻ em
![Các giai đoạn phát triển của răng sữa, bệnh lý răng sữa hay gặp.](https://italianodental.com/public/anh/images/rang-sua/chua-dau-rang-tre-em-1.jpg)
Các giai đoạn phát triển của răng sữa, bệnh lý răng sữa hay gặp.
Răng sữa là những chiếc răng mọc trong thời gian khoảng 06 tháng đến 3 tuổi, còn được gọi là răng tạm thời vì chúng chỉ ở với bé vài năm rồi được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Tuy vậy, chúng lại có vai trò rất quan trọng đối với tiêu hóa, phát âm và sự phát triển hàm mặt.
Công dụng chính của răng sữa là giúp nhai và nghiền nhỏ thức ăn, giữ khoảng cho răng vĩnh viễn. Ngoài ra răng sữa có vai trò kích thích sự phát triển của xương hàm. Nhờ chúng, bé có thể nhai, cắn thức ăn được, động tác này làm cho các cơ và xương hàm phát triển bình thường, đảm bảo chức năng cũng như thẩm mỹ cho khuôn mặt của bé.
Răng sữa còn có vai trò quan trọng trong việc phát âm, nếu răng sữa bị hỏng sớm phải nhổ, bé có thể nói ngọng.
Răng sữa có rất nhiều vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Do đó việc bảo vệ những chiếc răng sữa đến thời kỳ thay thế là rất cần thiết. Muốn vậy chúng ta cần hiểu rõ các giai đoạn phát triển của răng sữa và những bệnh lý răng sữa thường gặp để phòng ngừa và bảo vệ cho hàm răng sữa của trẻ được chắc khỏe.
Đầu tiên là các giai đoạn phát triển của răng sữa.
![](https://italianodental.com/public/anh/images/rang-sua/nho-rang-sua-thai-nguyen-1(1).jpg)
1. Giai đoạn mầm răng.
Tất cả các răng trước khi mọc trên cung hàm của chúng ta đều trải qua giai đoạn mầm răng ( giai đoạn này giống như các hạt đậu nảy mầm trước khi thành cây vậy). Mầm răng sữa được hình thành từ rất sớm, ngay trong tuần thứ 6 của thai kỳ các mầm răng sữa đã được hình thành và phát triển trong suốt thai kỳ. Khi trẻ sinh ra các mầm răng vẫn tiếp tục hình thành cho đến khi mọc răng trong miệng. Giai đoạn này chúng ta không quan sát bằng mắt thường được.
2. Giai đoạn mọc răng.
Giai đoạn này diễn ra khi trẻ được 06 tháng và kéo dài đến 3 tuổi thì trẻ mọc hết các răng sữa.
Bộ răng sữa có tổng cộng 20 răng. Chia đều cho 2 hàm. Mỗi cung hàm ( tức 1/2 hàm) có 5 răng gồm 2 răng cửa, răng nanh, và 2 răng cối sữa.
Thường trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên khi được 6 tháng tuổi.
Đầu tiên là những chiếc răng cửa sữa hàm dưới, đến các răng cửa giữa hàm trên, các răng cửa bên, sau đó là các răng hàm và cuối cùng là các răng nanh.
Các bạn có thể tham khảo trình tự mọc răng của trẻ qua hình bên.
Thời điểm mọc răng giữa các bé không giống nhau, có bé sẽ mọc răng sớm, có bé sẽ mọc răng muộn do đó các bậc phụ huynh không quá lo lắng khi răng trẻ mọc muộn. Tuy nhiên sau một tuổi trẻ vẫn chưa mọc được răng nào thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám để đánh giá sự phát triển của trẻ.
3. Giai đoạn thay răng.
Hay còn gọi là giai đoạn bộ răng hỗn hợp bởi giai đoạn này trên cung hàm của trẻ có cả răng sữa và răng vĩnh viễn cùng tồn tại. Giai đoạn này trải dài suốt từ khi trẻ 6 tuổi đến 12 tuổi. Thứ tự thay răng của trẻ lần lượt theo trình tự mọc răng. Các răng mọc trước sẽ là những răng được thay thế trước. Các bạn có thể tham khảo trình tự thay răng của trẻ ở hình bên để tiện theo dõi quá trình thay răng của con em mình.
Các bệnh lý răng sữa thường gặp.
Như vậy tính từ khi răng sữa bắt đầu mọc khoảng 6 tháng tuổi đến thời điểm thay hết tất cả các răng sữa vào 12 tuổi là một khoảng thời gian khá dài. Do đó có rất nhiều bệnh lý về răng sữa mà trẻ có thể gặp phải như sâu răng, viêm tủy răng, chấn thương răng.
1. Sâu răng.
![](https://italianodental.com/public/anh/images/rang-sua/mat-rang-sua-som-nen-lam-gi-8.jpg)
Đây là bệnh lý mà gần như tất cả trẻ nhỏ đều gặp phải. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như:
Ý thức vệ sinh răng miệng chưa tốt. Trẻ thường chải răng qua loa không lấy sạch hết được thức ăn. Hoặc trẻ chưa được hướng dẫn chải răng đúng cách dẫn đến dễ gây ra sâu răng.
Trẻ con thường rất thích đồ ăn ngọt như bánh kẹo, đường sữa và thường xuyên ăn vặt. Việc sử dụng nhiều đồ ngọt với tần suất thường xuyên là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sâu răng phát triển. Đặc biệt là những trẻ có thói quen uống sữa đêm thì nguy cơ sâu răng tăng lên gấp nhiều lần.
Cấu trúc giải phẫu men răng của trẻ mỏng hơn và yếu hơn nhiều so với răng vĩnh viễn do đó việc chống lại sâu răng cũng kém hơn và tốc độ tiến triển của sâu răng cũng nhanh hơn nhiều so với răng vĩnh viễn.
Yếu tố di truyền: ở những trẻ mà anh chị hay cha mẹ có hàm răng sữa bị sâu nhiều thì trẻ cũng có nguy cơ dễ bị sâu răng hơn.
Các nguyên nhân này có thể kết hợp với nhau làm trẻ dễ bị sâu răng và tốc độ sâu răng phá hủy răng cũng nhanh hơn.
Do đó với trẻ nhỏ để phòng ngừa sâu răng các bậc phụ huynh cần hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách, hạn chế uống sữa đêm, hạn chế bánh kẹo và đồ ngọt. Nên đưa trẻ đi khám định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng để phát hiện các răng sâu và hàn lại kịp thời tránh sâu răng tiến triển vào tủy gây đau nhức, có thể làm hỏng răng của trẻ gây mất răng sớm cản trở sự mọc răng vĩnh viễn sau này dễ dẫn đến răng mọc lệch lạc.
2. Viêm tủy răng.
![](https://italianodental.com/public/anh/images/rang-sua/chua-dau-rang-tre-em-2.jpg)
Đây cũng là một tình trạng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Như tôi đã nêu ở trên cấu trúc giải phẫu răng sữa có tủy răng lớn, phần men và ngà mỏng, mềm, khả năng tái khoáng hóa để ngăn ngừa sâu răng kém do đó khi lỗ sâu xuất hiện thì rất nhanh chỉ một thời gian ngắn sâu răng sẽ tiến đến tủy gây ra tình trạng viêm tủy. Các dạng viêm tủy răng có thể gặp như:
Viêm tủy răng cấp: Biểu hiện trẻ đau nhức nhiều, thường đau nhiều về đêm kèm theo răng có lỗ sâu lớn.
Viêm tủy răng mạn tính: trẻ thường không đau nhức và có lỗ dò giống như mụn thịt ở phần lợi về phía chóp chân răng tương ứng. Đôi khi ấn vào có mủ chảy ra.
Abces răng: Đây là tình trạng viêm cấp với khối sưng ở vùng lợi về phía chóp răng kèm đau nhức nhiều, trẻ có thể bị sốt.
Đối với cả 3 trường hợp viêm tủy trên tùy theo tình trạng thay răng của trẻ mà bs sẽ có chỉ định nhổ nếu răng sắp đến tuổi thay. Nếu trẻ còn nhỏ, răng chưa đến tuổi thay cần thiết điều trị tủy những răng này để giữ lại răng, giúp cho răng vĩnh viễn thay thế sau này mọc đúng vị trí.
3. Chấn thương răng.
![](https://italianodental.com/public/anh/images/rang-sua/mat-rang-sua-som-nen-lam-gi-9.jpg)
Trẻ con rất hiếu kì và ham chơi do đó rất dễ bị ngã và va đập vào các vật cứng dẫn đến chấn thương răng. Các răng thường bị chấn thương là các răng cửa hàm trên và hàm dưới. Mức độ chấn thương răng có thể từ nhẹ như sứt mẻ răng đến nặng như gãy răng, trồi, lún răng.
Khi trẻ bị chấn thương răng phụ huynh cần thiết đưa trẻ đến khám tại các cơ sở nha khoa để bác sĩ đánh giá tình trạng răng chấn thương và có biện pháp xử lý thích hợp.
Trường răng gãy vỡ đã lộ tủy thì cần thiết điều trị tủy để giữ răng chờ đến tuổi thay.
Trường hợp răng bị lún, tùy mức độ lún nhiều hay ít, nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn bên dưới bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ chiếc răng nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường của mầm răng vĩnh viễn.
4. Không có mầm răng vĩnh viễn.
Nhiều răng do bị sai lệch trong quá trình phát triển của trẻ mà không có mầm răng vĩnh viễn, việc này cũng rất dễ găp, đa số trường hợp sẽ thiếu một vài răng, hay gặp ở vùng răng trước, cũng có trường hợp thiếu nhiều mầm răng vĩnh viễn hoặc không có mầm răng nào, hiện tượng này cũng hiếm gặp thường kèm theo với một hội chứng chậm phát triển ở trẻ.
Việc thiếu mầm răng vĩnh viễn đơn lẻ hoặc thiếu nhiều răng, chung ta cũng không can thiệp sơm mà đợi cho sự phát triển của trẻ thì mới có thể trồng răng thay thế được, nhiều trường hợp can thiệp sớm như giữ khoảng cho răng thiếu để sau đủ tuổi để trồng răng implant.
Tổng kết lại ta có thể thấy răng sữa có rất nhiều vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Qua bài chia sẻ trên các bạn đã biết được các giai đoạn phát triển của răng sữa và các bệnh lý thường gặp từ đó thuận tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ hàm răng sữa cho con em mình. Giúp trẻ phát triển toàn diện qua đó cho trẻ có hàm răng vĩnh viễn đẹp và chắc khỏe.
Bài viết cùng chuyên mục
Thứ 2 – Chủ Nhật (08:00 – 19:00)
Giờ mở cửa
nhakhoa.italiano@gmail.com
Email trợ giúp khách hàng
0974.555.261
Số điện thoại hỗ trợ khách hàng